7 lưu ý cực quan trọng trước khi vay tiền mua nhà


01-12-2016 09:40

Nhiều khách hàng muốn an cư lập nghiệp bằng cách vay tiền ngân hàng mua nhà. Dưới đây là 7 lưu ý cực quan trọng các bạn cần phải nhớ để không phải chật vật xoay tiền hàng tháng hay phải bán nhà trả nợ. 

1. Mặc dù ngân hàng hỗ trợ cho vay 70% - 80% giá trị căn nhà nhưng bạn nên tích lũy một khoản lý tưởng nhất là 50%. Như vậy bạn chỉ cần vay ngân hàng 50% giá trị căn nhà nữa thôi. Đây được xem là áp lực tài chính vừa phải, không quá căng thẳng. Đương nhiên, bạn tích lũy được càng nhiều thì càng tốt bởi khi đó áp lực trả nợ của bạn càng giảm đi.

2. Thuộc lòng quy tắc “vàng” - lãi vay ngân hàng thường thả nổi. Hiện nay các gói cho vay mua nhà tại ngân hàng thường cho khách hàng hưởng ưu đãi hấp dẫn từ 7% - 8% một năm áp dụng cho 6 - 12 tháng đầu. Sau đó lãi suất sẽ được điều chỉnh bằng lãi suất huy động cộng thêm 3,5% - 4%.

Do vậy trước khi vay bạn cần xem kỹ chu kỳ thay đổi lãi suất huy động và nên để nhân viên ngân hàng tư vấn kỹ cho bạn.

3. Tự đánh giá khả năng thanh toán

Trước khi mua nhà trả góp, quan trọng nhất là bạn tự đánh giá được khả năng thanh toán của mình để hạn chế tối đa việc mất khả năng trả nợ.

Năng lực tài chính (1): Bao gồm số tiền tiết kiệm bạn có, thu nhập hàng tháng của gia đình sau khi đã trừ đi mọi chi phí sinh hoạt tháng.

Nguồn tài chính bên ngoài (2): Một phần vốn được hỗ trợ bởi người thân để mua nhà bằng việc cho vay không lấy lãi hoặc lấy lãi nhưng áp dụng mức lãi suất thấp hơn nhiều so với ngân hàng.

Nợ phải trả (3): Sau khi mua nhà cần biết chính xác số tiền mình phải trả hàng tháng, Số tiền này bao gồm một phần tiền gốc kèm lãi. Như đã nói ở trên, bạn tích lũy được càng nhiều thì vay ngân hàng càng ít và số nợ phải trả cũng giảm theo.

Nếu (1) + (2) >= (3) thì việc mua nhà trả góp được xem là khả thi.

4. Chủ động đối phó với lãi suất thả nổi

Lãi suất khi hết thời hạn ưu đãi là lãi suất thả nổi. Người mua nhà phải ước tính giả định rằng lãi suất có thể tăng thêm 30% so với dự tính cũng như phải lường trước một số đột biến bất ngờ. Như vậy, sau khi trừ chi tiêu hàng tháng thì số tiền còn lại phải đảm bảo 150% số tiền phải trả ngân hàng. Nếu bạn trả ngân hàng 8,8 triệu đồng thì bạn phải có số tiền dư hàng tháng là 13,2 triệu đồng để đề phòng tình huống lãi suất có thể tăng bất ngờ.

5. Lưu ý các khoản phí phạt trước hạn

Thông thường khi vay mua nhà, nhiều khách hàng chọn trả hết mặc dù chưa đến kỳ hạn tất toán nên thường bị phạt trả trước. Khoản này có thể từ 1 - 3% khoản trả trước hạn. Nếu ngân hàng ưu đãi lãi suất thấp thì họ thường đi kèm mức phạt cao để bù lỗ ban đầu.

6. Khảo sát giá kĩ lưỡng

Có 2 loại nhà ở hiện nay là nhà ở đã có người ở hoặc nhà dự án chưa có người ở. Nếu bạn mua nhà đã có người ở, để khảo sát giá, tốt nhất là bạn đến tận nơi để xem xét và hỏi những người xung quanh hay người quen ngay trong khu vực đó. Những người sống gần đó sẽ cung cấp cho bạn thông tin xác thực nhất.

Với trường hợp muốn mua nhà trả góp tại một dự án vẫn đang xây thì hãy tìm hiểu thông tin trên các trang web bất động sản uy tín. Những thông tin về giá cả, diện tích căn hộ và ưu đãi cho khách hàng sẽ được cung cấp đầy đủ ở đó.

7. Tìm hiểu rõ thông tin dự án

  • Tiện ích và vị trí của dự án: Cần biết ngôi nhà định mua đã đảm bảo đầy đủ cho sinh hoạt hàng ngày hay chưa. Vị trí tọa lạc ồn ào hay yên tĩnh, tình hình an ninh trật tự ra sao, giao thông có thuận lợi không, có dễ bị ngập nước không, hướng nhà có hợp phong thủy không…
  • Giá và điều kiện thanh toán: Nếu bạn mua chung cư đã hoàn thành thì sẽ dễ dàng khi hỏi những người sống quanh đó. Còn với những ngôi nhà đang trong quá trình thi công thì hợp đồng với chủ đầu tư nên có một phụ lục đi kèm trong đó quy định rõ thời điểm bàn giao nhà, không có chi phí phát sinh và chất lượng cũng như tiện ích căn hộ…
  • Kiểm tra về tính pháp lý: Căn hộ bạn mua đã được giải chấp hoàn toàn chưa? Ngoài ra hãy yêu cầu chủ căn hộ trình ra giấy phép xây dựng, sổ đỏ,...để chứng minh ngôi nhà đó hợp pháp.
  • Các loại chi phí: Xem xét các loại chi phí gửi xe, thang máy…(nếu ở chung cư), chi phí cho tổ an ninh khu vực…

Theo Thị trường tài chính Việt Nam

 
GỌI ĐIỆN

GỬI THÔNG TIN THÀNH CÔNG


Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian sớm nhất !