Quy chế quản lý quy hoạch nội đô lịch sử


26-06-2017 08:54

Chắc hẳn vẫn còn rất nhiều Quý bạn đọc quan tâm vẫn đang theo dõi “Dòng sự kiện: Lùm xùm quanh Dự án 8B Lê Trực”, trong đó Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần May Lê Trực đã vi phạm nghiêm trọng giấy phép xây dựng dẫn tới một loạt các sai phạm về quy mô, khối tích công trình cả về chiều cao và chiều rộng, làm ảnh hưởng đến hình dáng công trình và không gian kiến trúc khu vực. Đáng quan tâm nhất là việc Chủ đầu tư đã tự ý điều chỉnh tăng chiều cao các tầng, xây dựng thêm tầng 19 với tổng chiều cao thực tế khoảng 69 m (vượt 16m so với giấy phép xây dựng, tương đương 5 tầng). Vụ việc này đã dấy lên làn sóng dư luận Dự án 8B Lê Trực có chiều cao bất thường vượt hẳn lên so với các tòa nhà khác lại nằm trên địa bàn Quận Ba Đình (mặt Điện Biên Phủ hướng nhìn thẳng ra Lăng Chủ tịch), một trong những khu vực nội đô lịch sử được Hà Nội kiểm soát rất chặt chẽ trong việc quản lý quy hoạch đô thị và quản lý chiều cao tĩnh không công trình.

Có thể nói đây là một trong những trường hợp hiếm hoi mà một Dự án xây dựng trái phép tại nội đô bị xử lý thực sự quyết liệt và mạnh tay với những biện pháp từ phong tỏa tài khoản Chủ đầu tư cho tới việc UBND thành phố Hà Nội tạm ứng 03 tỷ đồng để thực hiện việc cưỡng chế phá dỡ. Thậm chí tới cả Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu nghiêm túc kiểm tra và chỉ đạo xử lý sai phạm; đồng thời kỷ luật hàng loạt các cán bộ thanh tra xây dựng.

Thông qua sự việc vi phạm này, Tò Vò DXMB muốn chia sẻ với Quý bạn đọc một số thông tin nổi bật về quản lý, kiểm soát đối với chiều cao, tầng cao tối đa cho phép của các công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử Hà Nội, được quy định tại Quyết định 11/2016/QĐ-UBND về Quản lý quy hoạch kiến trúc công trình cao tầng nội đô lịch sử Hà Nội.

1. Chỉ cho phép xây dựng các công trình cao tầng (công trình có từ 09 tầng trở lên) trong 02 trường hợp sau:

- Chỉ được xây dựng công trình cao tầng tại các vị trí được cho phép, bao gồm: vị trí hai bên đường vành đai, tuyến phố hướng tâm, tuyến phố chính và tại các khu vực điểm nhấn đô thị;

- Chỉ được xây dựng công trình cao tầng trong khu vực tại các dự án tái thiết đô thị bao gồm: đầu tư xây dựng khu chung cư cũ và quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, trường học, cơ quan…

2. Mọi trường hợp xây dựng ngoài vị trí cho phép hoặc xây dựng vượt quá quy mô cho phép đều phải được UBND Thành phố báo cáo để Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

3. Những quy định quan trọng đối với khu vực hai bên đường vành đai:

Khu vực vành đai trong quy định bao gồm: (i) Vành đai 1: khu vực Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt - Xã Đàn - La Thành; (ii) Vành đai 2: khu vực Minh Khai - Đại La - Trường Chinh - Láng - Bưởi - vành đai 2; (iii) Đường ven đê Sông Hồng: khu vực An Dương Vương - Âu Cơ - Nghi Tàm - Yên Phụ- Trần Nhật Duật - Trần Quang Khải- Trần Khánh Dư - Nguyễn Khoái.

- Tầng cao tối đa được phép xây dựng là 39 tầng (tương đương với chiều cao 140m) thuộc vị trí phía tây đường Nguyễn Khoái (đoạn giao nút giao thông Vĩnh Tuy-Minh Khai);

- Tầng cao công trình chủ yếu là 21 tầng, 24 tầng và 27 tầng (tương đương với chiều cao 76, 86 và 97m) trải dài từ Cầu Giấy (Bưởi-Kim Mã), đường Vành đai 1, Ô Chợ Dừa, Đại Cồ Việt-Trần Khát Chân, Xuân La-Hoàng Quốc Việt, Đào Tấn-Hoàng Quốc Việt-Cầu Giấy, Minh Khai-Vĩnh Tuy cho tới An Dương Vương, Yên Phụ.

- Một số khu vực cấm xây công trình cao tầng như: Trường Chinh (đoạn Khương Thượng-Lừ), Âu Cơ (đoạn Lạc Long Quân-Xuân Diệu và Xuân Diệu-Thanh Niên), đoạn Hàng Đậu-Lò Sũ và đoạn Lê Phụng Hiếu-Tràng Tiền.

4. Những quy định quan trọng đối với khu vực tuyến phố hướng tâm:

Khu vực tuyến phố hướng tâm trong quy định bao gồm: (1) tuyến phố Giảng Võ - Láng Hạ; (2) tuyến phố Văn Cao - Liễu Giai - Nguyễn Chí Thanh; (3) tuyến phố Tôn Đức Thắng - Nguyễn Lương Bằng - Tây Sơn; (4) tuyến phố Giải Phóng - Lê Duẩn

- Đoạn giao Hai Bà Trưng-Khâm Thiên chỉ được phép xây dựng công trình cao tối đa 09 tầng (tương đương chiều cao 32m);

- Tầng cao công trình chủ yếu là 21, 24, 25 và 27 tầng (tương đương với chiều cao 76, 86, 90 và 97m) trải dài từ Giảng Võ (đoạn Cát Linh-La Thành), Láng Hạ, Văn Cao, Liễu Giai, Nguyễn Chí Thanh, Tây Sơn cho tới Giải Phóng.

- Một số khu vực cấm xây dựng công trình cao tầng như: đoạn Nguyễn Thái Học-Cát Linh, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, đoạn Hồ Đắc Di-Chùa Bộc và các đoạn giao giữa Điện Biên Phủ-Hai Bà Trưng, Khâm Thiên-Xã Đàn.

5. Những quy định quan trọng đối với khu vực tuyến phố chính:

Khu vực tuyến phố chính trong quy định bao gồm: (1) tuyến phố Hào Nam - Hoàng Cầu - Yên Lãng; (2) tuyến phố Hàng Đậu - Phan Đình Phùng - Hoàng Hoa Thám; (3) tuyến phố Lò Đúc - Kim Ngưu; (4) tuyến phố Chùa Bộc - Thái Hà - Huỳnh Thúc Kháng -Pháo Đài Láng kéo dài; (5) tuyến phố Phạm Ngọc Thạch - Tôn Thất Tùng; (6) tuyến phố Đội Cấn

- Đây là khu vực hết sức đặc biệt với những nút giao thông dày đặc và mật độ dân cư cao, do đó chỉ có 02 loại chiều cao công trình được phép xây dựng đó là: 46 và 86m (tương ứng với 13 và 24 tầng) tại các vị trí như: Hào Nam-Hoàng Cầu-Yên Lãng, Hoàng Hoa Thám, Kim Ngưu, Huỳnh Thúc Kháng, Thái Hà.

- Vì những đặc thù kể trên của tuyến phố chính, có rất nhiều khu vực cấm xây dựng công trình cao tầng như: Hàng Đậu-Phan Đình Phùng, Hùng Vương-Ngọc Hà, Lò Đúc, Pháo Đài Láng, Chùa Bộc, Phạm Ngọc Thạch-Tôn Thất Tùng, Đội Cấn.

6. Những quy định quan trọng đối với khu vực điểm nhấn đô thị:

Khu vực điểm nhấn đô thị là những khu vực có khác biệt về cấu trúc không gian, cảnh quan đô thị do đó tầng cao công trình cũng có những sự khác biệt hẳn so với những khu vực khác.

Khu vực điểm nhấn đô thị trong đô thị bao gồm: (1) Khu vực xung quanh hồ Giảng Võ; (2) Khu vực xung quanh hồ Thành Công; (3) Khu vực xung quanh ga Hà Nội; (4) Khu vực Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái; (5) các nút giao thông trọng điểm và một số vị trí khác theo quy định của Thành phố.

- Tầng cao tối đa công trình có sự vượt trội so với những khu vực còn lại như có những vị trí được xây dựng tới 39 tầng (tương đương chiều cao 140m) như ở các nút giao thông Hoàng Hoa Thám-Hoàng Quốc Việt-Vành đai 2, Cầu Giấy-La Thành-Bưởi-Láng, Nguyễn Chí Thanh-Láng, Minh Khai-Kim Ngưu cho tới khu vực tây Hồ Tây-Vành đai 2 và bắc Hồ Tây.

- Một số vị trí khác được xây dựng công trình có tầng cao tối đa từ 18 tới 24 tầng như: khu vực: ga Hà Nội, hồ Thành Công…

- Khu vực ô đất 29 Liễu Giai được xây dựng công trình cao tối đa 162m (tầng cao tối đa 45 tầng).

- Cá biệt, khu vực triển lãm Giảng Võ là khu vực duy nhất trong nội đô lịch sử Hà Nội được phép xây dựng công trình có tầng cao tối đa 50 tầng (chiều cao 180m).

7. Những quy định quan trọng đối với khu vực dự án tái thiết đô thị:

Khu vực dự án tái thiết đô thị phải là khu chưng cư cũ, quy mô từ 02 ha trở lên và phải đảm bảo các điều kiện sau:

- Thực hiện tái thiết theo hướng cao tầng nhưng có mật độ thấp, tạo nhiều không gian mở và hạn chế tăng dân số khu vực.

- Bố trí đất cho công trình giáo dục, công cộng.

- Phải tạo lập không gian thông thoáng ở tầng đế để kết hợp với không gian khu vực.

- Tầng cao tối đa từ 21 đến 24 tầng tại các khu chung cư cũ như: Giảng Võ, Hào Nam, Thành Công, Thanh Nhàn…

- Riêng khu vực khu tập thể Văn Chương chỉ được xây dựng công trình cao tối đa 65m (tương đương với 18 tầng).

Mong rằng những tổng hợp trên đây có thể giúp Quý bạn đọc có được cái nhìn tổng quát về quy hoạch, vị trí cũng như chiều cao công trình trong khu vực nội đô lịch sử Hà Nội.

Mọi thông tin chia sẻ, thắc mắc và ý kiến đóng góp xin vui lòng gửi lại qua địa chỉ mail: tuvanphaply@dxmb.vn./.

 

 
GỌI ĐIỆN

GỬI THÔNG TIN THÀNH CÔNG


Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian sớm nhất !