Đề xuất xây nhà ở xã hội dưới 25m2


28-10-2017 09:27

Chênh lệch cung-cầu về nhà ở tại thành phố Hồ Chí Minh chưa bao giờ là một vấn đề mới; tuy nhiên có thể nói chưa bao giờ sự chênh lệch giữa nguồn cung và nhu cầu lại lớn như vài năm trở lại đây. Bài toán vốn chưa tìm ra câu trả lời lại đang trở nên ngày càng khó “giải” hơn bao giờ hết. Nhiều phương án cũng như ý kiến đã và đang được đưa ra thảo luận, tuy nhiên chưa một đáp án nào có thể giải quyết dứt điểm vấn đề trên.

Đề xuất nhà ở xã hội dưới 25m2

Nổi bật trong số các ý kiến được thảo luận, có thể kể tới kiến nghị của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) gửi tới UBND TP.HCM, Bộ Xây dựng, Bộ Tài Chính… đề xuất giải pháp phát triển nhà ở xã hội.

Theo đó, trong quá trình khảo HoREA nhận thấy số lượng hộ thu nhập nghèo và cận nghèo có nhu cầu về nhà ở là hơn 39.000 người và người lao động trong khu công nghiệp có nhu cầu về nhà ở là 17.000 người. Những đối tượng trên với nguồn thu nhập có hạn khó có thể tiếp cận tới các dự án nhà ở thương mại; lựa chọn duy nhất còn lại cho họ là: thuê nhà trọ do hộ gia đình/cá nhận tự xây dựng với chất lượng không đảm bảo; không kiểm soát được an ninh, hạ tầng tối thiểu hoặc là tìm tới các dự án nhà ở xã hội/nhà ở cho người có thu nhập thấp.

Song, với nguồn lực ngân sách có hạn, khó có thể giải quyết kịp thời nhu cầu nhà ở xã hội của người dân. Sở Xây dựng TP.HCM đã đưa ra mục tiêu hoàn thành 44.701 căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2020 với 39 dự án. Tuy nhiên, số lượng Dự án hoàn thành có thể đếm được trên đầu ngón tay, nguồn cung vẫn còn quá ít ỏi so với nhu cầu đang ngày một “phình to”.

Chính vì những lý do này, HoREA đã đề xuất để xin phép để các Doanh nghiệp được tham gia đầu tư xây dựng các khu nhà trọ với diện tích nhỏ hơn 25m2. Trước đây, chỉ các hộ gia đình/cá nhân xây dựng các khu nhà trọ này với diện tích các phòng ở tối thiểu 10m2; tuy nhiên do tính chất tự phát, các khu trọ này hầu hết đều có những nhược điểm như đã kể trên; nếu để các Doanh nghiệp, với tính chuyên nghiệp cao, tin rằng những khuyết điểm này đều có thể được khắc phục, hơn nữa thời gian xây dựng ngắn, lại thu hồi vốn nhanh, cực kỳ hợp lý và đáng đầu tư.

Căn hộ có diện tích dưới 25m2

Tuy nhiên, trong Công văn trả lời mới nhất của mình, Bộ Xây dựng cho rằng đề xuất trên là không phù hợp. Cụ thể theo những lý do sau:

- Hiện tại các vấn đề về nhà ở xã hội đều được điều chỉnh tại Thông tư số 20/2016/TT-BXD cụ thể như sau: về căn hộ/căn nhà phải đảm bảo tối thiểu đủ 25m2; về phòng ở phải đảm bảo:

  • Diện tích sử dụng phòng ở không được nhỏ hơn 10m2; chiều rộng thông thủy không dưới 2,40m; chiều cao thông thủy chỗ thấp nhất không dưới 2,70m.
  • Phòng ở phải có cửa đi, cửa sổ đảm bảo yêu cầu thông gió và chiếu sáng tự nhiên.
  • Tường bao che, tường ngăn giữa các phòng phải được làm bằng vật liệu đáp ứng yêu cầu phòng cháy và chống thấm.
  • Mái nhà không được lợp bằng vật liệu dễ cháy và phải đảm bảo không bị thấm dột.
  • Nền nhà phải được lát gạch hoặc láng vữa xi măng và phải cao hơn mặt đường vào nhà, mặt sân, hè.
  • Có đèn đủ ánh sáng (tối thiểu có một bóng đèn điện công suất 40W cho diện tích 10m2), nếu ở tập thể thì phải có tối thiểu một ổ cắm điện cho một người.
  • Nếu phòng ở được xây dựng khép kín thì khu vệ sinh phải có tường ngăn cách với chỗ ngủ.
  • Bảo đảm cung cấp nước hợp vệ sinh theo quy chuẩn, tiêu chuẩn của pháp luật chuyên ngành.
  • Có các thiết bị phòng chống cháy nổ theo quy định.
  • Diện tích sử dụng bình quân không nhỏ hơn 5m2 cho một người.
  • Trường hợp xây dựng nhà ở xã hội liền kề thấp tầng để bán hoặc cho thuê mua thì từng phòng ở phải được xây dựng khép kín (có khu vệ sinh). Trường hợp để cho thuê thì có thể sử dụng khu vệ sinh chung cho nhiều phòng ở, nhưng phải bố trí khu vệ sinh riêng cho nam và nữ.

- Chỉ có hộ gia đình/cá nhân được phép đầu tư xây dựng loại hình nhà ở này; với mục đích là để khuyến khích việc phát triển, đầu tư nhà ở xã hội trong dân.

- Đối với Doanh nghiệp, việc xây dựng nhà ở xã hội bắt buộc phải thực hiện theo Dự án với diện tích tối thiểu 25m2, và phải như vậy mới đảm bảo được hạ tầng kỹ thuật, vệ sinh môi trường cũng như điều kiện sống tốt hơn và điều kiện sống cho người dân.

Như vậy có thể thấy, bài toán cung-cầu nhà ở tại TP.HCM sẽ còn rất lâu nữa mới có lời giải đáp, và trong thời gian đó, có lẽ chúng ta vẫn buộc phải làm quen với những khu nhà trọ giá rẻ, tự phát để tạm thời làm vơi đi nhu cầu về nhà ở của đa số người dân lao động tại đây.

Mọi thông tin chia sẻ, thắc mắc và ý kiến đóng góp xin vui lòng gửi lại qua địa chỉ mail: tuvanphaply@dxmb.vn.

GỌI ĐIỆN

GỬI THÔNG TIN THÀNH CÔNG


Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian sớm nhất !