Những điều cần biết để người nước ngoài sở hữu căn hộ tại Việt Nam


05-01-2017 09:53

Tính tới thời điểm hiện tại có không ít dự án bất động sản tại Việt Nam có sự xuất hiện của khách hàng người nước ngoài vì vậy nhu cầu tìm hiểu thủ tục pháp lý cho đối tượng này có xu hướng tăng cao. So sánh với Luật Nhà ở 2005, Luật Nhà ở 2014 và các văn bản hướng dẫn Luật Nhà ở 2014 có nhiều quy định mới về vấn đề quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam của cá nhân, tổ chức người nước ngoài tại Việt Nam cũng như của Việt Kiều về nước. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm rõ các quy định, điều kiện cần thiết để có thể sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi sẽ tổng hợp và phân tích, làm rõ toàn bộ các vấn đề về quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam cho các cá nhân, tổ chức nước ngoài và Việt Kiều

1. Đối tượng được sở hữu nhà ở
- Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam.
- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài; quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam (sau đây gọi chung là tổ chức nước ngoài).
- Tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án xây dựng nhà ở tại Việt Nam.
- Là Việt Kiều được nhập cảnh vào Việt Nam. Có nguồn gốc Việt Nam, có thể còn hoặc không còn quốc tịch Việt Nam, hiện đang sinh sống ở nước ngoài.

2. Hình thức sở hữu nhà ở
Với cá nhân, tổ chức nước ngoài:
- Đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án xây dựng nhà ở tại Việt Nam.
- Mua, thuê mua, nhận tặng cho, thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ các khu vực quốc phòng - an ninh. Điều này có nghĩa là cá nhân, tổ chức nước ngoài không được mua nhà phố, nhà ngoài Dự án và không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Với Việt Kiều:
- Thông qua hình thức mua, thuê mua nhà ở thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản.
- Mua, nhận tặng cho, nhận đổi, nhận thừa kế nhà ở của hộ gia đình, cá nhân.
- Nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán nền để tự tổ chức xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật.

3. Điều kiện sở hữu nhà
Với cá nhân, tổ chức nước ngoài:
- Đối với cá nhân nước ngoài thì phải: (i) được phép nhập cảnh vào Việt Nam; (ii) hộ chiếu còn thời hạn và (iii) không thuộc diện được quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao.
- Đối với tổ chức nước ngoài thì phải: (i) có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc (ii) các Giấy tờ chứng minh quyền hoạt động tại Việt Nam còn hiệu lực.
- Đối với các tổ chức cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở tại Việt Nam thì phải: (i) có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và (ii) nhà ở phải thuộc dự án đầu tư xây dựng.
Với Việt Kiều:
- Được phép nhập cảnh vào Việt Nam.
- Nếu có hộ chiếu Việt Nam thì hộ chiếu phải còn hiệu lực và có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh.
- Nếu có hộ chiếu nước ngoài thì hộ chiếu phải còn hiệu lực, có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh và phải có giấy tờ chứng minh gốc Việt Nam hoặc các giấy tờ tương đương khác.
* Với trường hợp là cá nhân nước ngoài nhưng lại có giấy tờ chứng minh gốc Việt Nam thì chỉ được chọn một đối tượng để sở hữu nhà ở tại Việt Nam: hoặc là cá nhân nước ngoài, hoặc là người Việt Nam định cư tại nước ngoài và tuân theo các điều kiện sở hữu nhà ở tương ứng.

Những điều cần biết để người nước ngoài sở hữu căn hộ tại Việt Nam

4. Số lượng nhà ở được sở hữu
- Với cá nhân - tổ chức nước ngoài chỉ được sở hữu/tặng cho/thừa kế không quá 30% số lượng căn hộ trong một toà chung cư và 250 căn nhà ở riêng lẻ trong một đơn vị hành chính tương đương cấp phường. Nếu trong đơn vị hành chính tương đương cấp phường có nhiều dự án thì tổng sở hữu tại không được vượt quá 30% tổng số căn hộ chung cư hoặc 2.500 căn nhà ở riêng lẻ.
- Với Việt Kiều thì không giới hạn số lượng nhà ở được phép sở hữu.

5. Thời hạn sở hữu nhà ở
- Đối với cá nhân: Thời hạn tối đa là 50 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu và có thể được gia hạn thêm;
- Đối với tổ chức: Thời hạn của quyền sở hữu nhà ở của các tổ chức nước ngoài không được vượt quá thời hạn ghi trên giấy chứng nhận đầu tư.
- Đối với cá nhân kết hôn với người Việt Nam: Sở hữu lâu dài không có thời hạn.
- Đối với Việt Kiểu: Được sở hữu lâu dài.

6. Quyền về sở hữu nhà ở
Cá nhân, tổ chức nước ngoài hay các đối tượng là Việt Kiều sẽ có toàn bộ các quyền của chủ sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam.

7. Nghĩa vụ về sở hữu nhà ở
- Với cá nhân, tổ chức nước ngoài, Việt Kiều có toàn bộ các nghĩa vụ của chủ sở nhà ở như công dân Việt Nam.
- Chủ sở hữu là cá nhân nước ngoài được phép cho thuê nhà nhưng phải thông báo với cơ quan quản lý nhà ở cấp huyện.
- Chủ sở hữu là tổ chức nước ngoài chỉ được sử dụng nhà ở để bố trí cho những người đang làm việc cho tổ chức đó sử dụng để ở, và không được quyền sử dụng nhà ở đó để cho thuê hay bất kỳ mục đích nào khác.
Lưu ý: Tất cả nội dung nêu trên chỉ để khách mua tham khảo. Mọi thông tin chia sẻ, thắc mắc và ý kiến đóng góp xin vui lòng gửi lại qua địa chỉ mail: tuvanphaply@dxmb.vn

 
0917602020
GỌI ĐIỆN

GỬI THÔNG TIN THÀNH CÔNG


Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian sớm nhất !

GỬI THÔNG TIN THÀNH CÔNG


Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian sớm nhất !