Với hơn 4 triệu Việt kiều và hơn 80.000 người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam, việc sớm đáp ứng các quy định về mua bán, chuyển nhượng bất động sản (BĐS) sẽ mang đến một lượng khách hàng lớn.
Kỳ vọng nguồn cầu lớn
Về triển vọng nguồn cầu BĐS với nhóm khách hàng là người nước ngoài, Việt kiều, ông Neil MacGregor, Giám đốc điều hành Savills Việt Nam cho biết, những tín hiệu khả quan của nền kinh tế và luật pháp đã mang đến một lượng đáng kể là người nước ngoài và Việt kiều muốn sở hữu BĐS tại Việt Nam.
Theo ông Neil MacGregor, trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là một trong những thị trường mới nổi mạnh mẽ nhất. Trong giai đoạn 2013-2016, nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi với mức tăng trưởng GDP lần lượt là 5,4%, 6,0%, 6,7% và 6,21%. Những tín hiệu khả quan của nền kinh tế và Luật Đất đai đã khiến lượng khách ngoại quốc muốn sở hữu BĐS tại Việt Nam tăng mạnh.
Ông Neil MacGregor nói: "Nhu cầu nhà ở tại Việt Nam là không nhỏ với hơn 4 triệu Việt kiều và hơn 80.000 người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Nhưng cơ quan quản lý nhà nước cần hướng dẫn cụ thể hơn để mong muốn sở hữu BĐS của những khách hàng này được hiện thực hóa".
Đã gần 2 năm từ khi Luật Nhà ở cho phép người nước ngoài đầu tư BĐS tại Việt Nam, nhưng vẫn chưa có những văn bản hướng dẫn chi tiết...
Ông Neil MacGregor cho biết, việc thanh toán tiền mua - bán nhà qua ngân hàng là một vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Theo Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, Ngân hàng Nhà nước sẽ hướng dẫn cụ thể việc thanh toán tiền khi các cá nhân, tổ chức nước ngoài, Việt kiều mua, thuê mua nhà ở tại Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay, các ngân hàng thương mại vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.
Quên hướng dẫn thi hành luật?
Trước đó, từ năm 2008-2014, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS không đề cập đến Việt kiều, người nước ngoài. Khi đó, nếu muốn sở hữu BĐS tại Việt Nam, những đối tượng này phải đáp ứng nhiều điều kiện ngặt nghèo theo Nghị quyết số 19/2008/QH 12.
Tuy nhiên, những đối tượng khách hàng trên đã được phép mua nhà ở tại Việt Nam theo Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS 2014 (sửa đổi). Nhưng đến nay, vẫn chưa có hướng dẫn về việc triển khai các quy định này.
Xem thêm: Đối tượng Việt kiều nào được thừa kế nhà ở Việt Nam?
Theo Giám đốc Công ty TNHH Jones Lang Lasalle Việt Nam, ông Greg Ohan, việc sở hữu nhà ở tại Việt Nam đối với Việt kiều, người nước ngoài vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Greg Ohan nhấn mạnh: "Đã gần 2 năm kể từ khi Luật Nhà ở cho phép người nước ngoài đầu tư BĐS tại Việt Nam, nhưng vẫn chưa có văn bản hướng dẫn và những thủ tục hành chính liên quan".
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, từ ngày 1/7/2015 khi Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực, lượng người nước ngoài, Việt kiều mua nhà ở tại Việt Nam đã tăng gấp gần 3 lần. Nhưng con số tuyệt đối lại rất nhỏ bé, với khoảng 800 giao dịch, do những đối tượng này vẫn còn e ngại các thủ tục hành chính do Luật Nhà ở và Nghị định số 99/2015/NĐ-CP có những nội dung chưa rõ ràng.
Chẳng hạn như ông Hà nêu, quy định không được bán quá 20% cho người nước ngoài là với một dự án hay một tòa nhà… Đặc biệt, khi chủ nhà cho thuê, kinh doanh có thu nhập, muốn chuyển tiền về nước nhưng việc chứng minh nguồn gốc hợp pháp theo quy định của ngân hàng cũng rất phức tạp… Đây là những lý do này khiến lượng người nước ngoài, Việt kiều mua nhà tại Việt Nam không như kỳ vọng.
Theo Báo Đầu tư Online
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian sớm nhất !
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian sớm nhất !