Góp vốn bằng nhà ở trong doanh nghiệp


29-06-2017 09:05

Việc đầu tư dưới hình thức góp vốn vào các Doanh nghiệp hiện nay đã không còn trở nên quá xa lạ; trong đó tài sản góp vốn theo quy định tại Luật Doanh nghiệp cực kỳ đa dạng: từ tiền mặt, ngoại tệ, cho tới vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ và toàn bộ các tài sản có thể định giá khác. Vì vậy, có nhiều trường hợp người đầu tư muốn góp vốn bằng những bất động sản đang rảnh rỗi, ví dụ như nhà ở mà người đầu tư chưa sử dụng tới, do đó thông qua bài viết này, Tò Vò DXMB muốn gửi tới Quý độc giả cái nhìn tổng quát về phương thức cũng như một số thủ tục cần thiết để tiến hành việc góp vốn trong một Doanh nghiệp bằng nhà ở.

1. Hình thức góp vốn bằng Nhà ở

- Việc góp vốn vào Doanh nghiệp bằng nhà ở bắt buộc phải thực hiện thông qua Hợp đồng góp vốn;

- Hợp đồng góp vốn phải có đầy đủ những nội dung cơ bản sau:

     + Thông tin của Bên góp vốn và Bên nhận góp vốn;

     + Giá trị góp vốn; thời hạn góp vốn;

     + Quyền và nghĩa vụ các Bên;

     + Các cam kết và thỏa thuận;

     + Điều khoản thi hành của Hợp đồng.

2. Công chứng, chứng thực Hợp đồng và thời điểm có hiệu lực của Hợp đồng góp vốn

- Hợp đồng góp vốn bắt buộc phải công chứng, chứng thực theo đúng quy định của pháp luật hiện hành;

- Thời điểm có hiệu lực là thời điểm Hợp đồng được công chứng, chứng thực.

3. Điều kiện để thực hiện việc góp vốn bằng nhà ở

- Chủ sở hữu Nhà ở chỉ được góp vốn bằng Nhà ở để tham gia những hoạt động kinh doanh mà pháp luật không cấm;

- Nhà ở để góp vốn phải là nhà ở có sẵn, có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các tài sản khác;

- Nhà ở không được thuộc diện tranh chấp, bị kê biên, tịch thu hay có quyết định thu hồi, giải tỏa…

- Trường hợp Nhà ở thuộc sở hữu chung thì việc góp vốn phải được sự đồng ý của tất cả các chủ sở hữu. Các chủ sở hữu trong trường hợp này phải cùng ký vào Hợp đồng góp vốn hoặc đồng ủy quyền cho một cá nhân làm đại diện ký Hợp đồng;

- Trường hợp Nhà ở sử dụng để góp vốn đang được cho thuê thì phải thông báo bằng văn bản cho bên thuê nhà biết trước về việc góp vốn này. Bên thuê nhà được quyền tiếp tục thuê nhà tới hết thời hạn góp vốn, trừ trường hợp hai Bên có thỏa thuận khác.

4. Chuyển quyền sở hữu Nhà ở góp vốn

- Chủ sở hữu Nhà ở góp vốn phải chuyển quyền sở hữu Nhà ở sang cho Doanh nghiệp được góp vốn;

- Đăng ký chuyển quyền sở hữu Nhà ở tại Văn phòng đăng ký đất và nhà trực thuộc Phòng Tài nguyên Môi trường địa phương có Nhà ở, hồ sơ bao gồm:

     + Hợp đồng chuyển nhượng vốn có công chứng/chứng thực;

     + Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

     + Các giấy tờ pháp lý khác…

- Việc chuyển quyền sở hữu Nhà ở để góp vốn này không phải chịu lệ phí trước bạ.

Trên đây là tổng hợp những quy định cơ bản nhất về việc góp vốn bằng Nhà ở vào Doanh nghiệp.

Mọi thông tin chia sẻ, thắc mắc và ý kiến đóng góp xin vui lòng gửi lại qua địa chỉ mail: tuvanphaply@dxmb.vn./.

 
0917602020
GỌI ĐIỆN

GỬI THÔNG TIN THÀNH CÔNG


Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian sớm nhất !

GỬI THÔNG TIN THÀNH CÔNG


Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian sớm nhất !