Theo thống kê, Việt Nam có khoảng hơn 82.000 người nước ngoài đang sinh sống và làm việc. Trong đó, Hà Nội là nơi tập trung đông đúc người nước ngoài đến từ các quốc gia chủ yếu như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Nga, Mỹ… Điều đó có nghĩa nhu cầu về nhà ở tại Thủ đô còn rất lớn và phân khúc này đang nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Theo báo cáo của Ngân hàng HSBC Việt Nam, 29% chuyên gia nước ngoài đang làm việc ở Việt Nam sẵn sàng dùng tiền tiết kiệm để xem xét khả năng mua nhà. Họ nằm trong số 30% khách hàng tiềm năng mua căn hộ cao cấp, 2% khách hàng tiềm năng mua căn hộ hạng sang.
Trước đó, liên quan đến việc sở hữu bất động sản của người nước ngoài, từ năm 2015, Luật Nhà ở sửa đổi theo hướng tạo thuận lợi cho người nước ngoài mua nhà đã trở thành tín hiệu tích cực thúc đẩy số lượng giao dịch của nhóm khách hàng này.
Bên cạnh đó, những năm gần đây, chính sách thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có chính sách cho phép người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam đã dần cởi mở hơn, khiến sức hấp dẫn của lĩnh vực bất động sản Hà Nội đối với nhà đầu tư ngoại cũng được gia tăng.
Các chuyên gia cho rằng, việc cho người nước ngoài mua nhà sau khi nhập cảnh được kỳ vọng tạo ra yếu tố thuận lợi để thu hút, kích thích phát triển nhiều loại hình bất động sản như đầu tư, du lịch, dịch vụ. Điều này có lợi cho cả nền kinh tế, phù hợp thông lệ quốc tế và là một hình thức “xuất khẩu” bất động sản tại chỗ khá hiệu quả.
Khu vực phía Tây và phía Bắc Hà Nội là những khu vực được giới đầu tư đánh giá là đang có sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, khu vực phía Tây Hà Nội đang là điểm nóng thu hút khách hàng nước ngoài từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Singapore… mua, thuê căn hộ cao cấp bởi nơi đây tập trung rất nhiều Bộ, ngành, công trình trọng điểm quốc gia, trung tâm hội nghị quốc tế, khu liên hiệp thể thao… cũng như là nơi đặt trụ sở của nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.
Không chỉ vậy, hạ tầng giao thông khu vực này khá hiện đại và ổn định, thuận tiện cho việc di chuyển tới các khu vực trong nội thành cũng như các tuyến giao thông chính tới các tỉnh, thành khác.
Trong khi đó, khu vực phía Bắc Thủ đô Hà Nội lại có một sức hấp dẫn riêng đối với các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là đối với phân khúc cao cấp. Giới đầu tư BĐS nhận định, trong 5 – 7 năm tới, khu vực này sẽ hình thành các khu đô thị mới làm thay đổi hoàn toàn thị trường BĐS Hà Nội ở tất cả phân khúc. Trong đó, chủ yếu sẽ là các sản phẩm BĐS trung và cao cấp, đặc biệt là các sản phẩm nghỉ dưỡng ở ngoại ô thành phố.
Trao đổi về lý do của sự hấp dẫn này, Giám đốc CBRE Hà Nội cho rằng, BĐS phía Bắc có tiềm năng phát triển các phân khúc cao cấp hơn các khu vực khác là do sở hữu các ưu thế về địa lý. Khu vực này vốn được xem như “đầu Rồng” của Thủ đô, hướng đắc địa của Hà Nội.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 8 tháng đầu năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 24,35 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ 2017. Trong đó, tổng vốn đầu tư lĩnh vực BĐS đạt 5,9 tỷ USD, chiếm 24,2% tổng vốn đầu tư đăng ký, đứng thứ 2 trong 17 ngành, lĩnh vực. Đáng chú ý, Hà Nội là địa phương thu hút nhiều vốn nhất với tổng số vốn đăng ký 5,93 tỷ USD, chiếm 24,4% tổng vốn đầu tư.
Tiềm năng và sức hút lớn như vậy, nhưng để nắm bắt được và biến các cơ hội thành hiện thực, các chuyên gia cho rằng, Hà Nội cần phải xác định được các vấn đề cốt lõi để tháo gỡ khó khăn chung của thị trường, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa theo hướng phù hợp với nhu cầu thực, đồng thời tiếp tục tạo các điều kiện ưu đãi nhằm thúc đẩy hơn nữa cho các doanh nghiệp, trong đó có cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tham gia vào việc thúc đẩy thị trường BĐS phát triển lành mạnh, bền vững.
Nguồn: baoxaydung.com.vn
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian sớm nhất !
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian sớm nhất !