Cùng người yêu góp vốn mua nhà, rủi ro ở đâu?

03-10-2019 09:38

Trong nhịp sống đô thị hiện nay, nhất là tại các thành phố lớn, không ít cặp đôi quyết định “góp gạo thổi cơm chung”, thậm chí là chung tiền cùng người yêu để mua nhà nhằm giảm chi phí thuê trọ mà lại có không gian sống thỏa mái hơn cũng như đầu tư cho tương lai.


Tuy nhiên, các cặp đôi cũng lo sợ rủi ro nếu không may xảy ra hiện tượng “cơm không lành, canh không ngọt”, hai người phải “đường ai nấy đi” thì sẽ dẫn đến rủi ro về tài sản.
Vì vậy, các cặp đôi xác định muốn cùng nhau xây dựng tương lai để gắn bó lâu dài mà góp tiền để mua nhà thì cần chú ý hai điểm nêu sau để tránh “tình ngay lý gian” và cũng để phòng ngừa rủi ro, tranh chấp nảy sinh sau này mà không có căn cứ pháp lý để tháo gỡ:

Đứng tên đồng sở hữu

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 98 Luật Đất đai 2013 thì: “Thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất, người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và cấp cho mỗi người 01 Giấy chứng nhận; trường hợp các chủ sử dụng, chủ sở hữu có yêu cầu thì cấp chung một Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện”.

Như vậy, pháp luật có ghi nhận trường hợp sở hữu chung đối với tài sản là đất đai, nhà ở. Các bạn trẻ hoàn toàn có quyền đứng tên chung hợp đồng mua bán căn hộ chung cư và sau đó cùng đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, khi cùng nhau sở hữu căn hộ chung cư, mọi việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt căn hộ đều phải được sự đồng ý của cả hai người. Nếu không thể thống nhất được, hai người bắt buộc phải khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền để giải quyết, phân chia tài sản này. Vì vậy, cần lưu ý về tỷ lệ góp vốn.

Thể hiện việc góp vốn bằng hợp đồng

Điều 385 Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS) quy định: “Hợp đồng dân sự là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”.

Về mặt hình thức,“hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, khi pháp luật không quy định loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định. Trong trường hợp pháp luật có quy định hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký hoặc xin phép thì phải tuân theo các quy định đó” (khoản 1, khoản 2 Điều 401 BLDS).

Trong trường hợp này, Hợp đồng góp vốn để mua nhà sẽ thể hiện ý chí thỏa thuận giữa các bên, tuy không thuộc trường hợp bắt buộc phải được lập thành văn bản và có công chứng, chứng thực nhưng để đảm bảo tính pháp lý và các bên không thể phủ nhận hai bên vẫn nên lập Hợp đồng góp vốn bằng văn bản và làm thủ tục công chứng. Việc làm nêu trên là bằng chứng để sau này phân chia tài sản (giá trị của căn nhà) nếu hai bên xảy ra mâu thuẫn. Như vậy, sẽ đảm bảo được quyền lợi chính đáng cho các bên.


Mọi thông tin chia sẻ, thắc mắc và ý kiến đóng góp xin vui lòng gửi lại qua địa chỉ mail: tuvanphaply@dxmb.vn.


Tò Vò DXMB
 

 
GỌI ĐIỆN

GỬI THÔNG TIN THÀNH CÔNG


Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian sớm nhất !