Theo báo cáo từ MAF, trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam đạt 3,35 tỷ USD, bằng 139% cùng kỳ 2017. Trong đó, ngành bất động sản chiếm ưu thế với tỷ trọng 66,7%.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối năm 2017, FDI đăng ký tích lũy đạt xấp xỉ 318,72 tỷ USD. Riêng vốn đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực bất động sản đạt 53,2 tỷ USD. Trong 7 tháng đầu năm 2018, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới là 13,2 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 5,6 tỷ USD, chiếm 24,4% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Hoạt động M&A bất động sản liên tục chứng kiến nhiều thương vụ bạc tỷ
Tính từ đầu năm 2018 đến nay, hoạt động M&A BĐS liên tục chứng kiến nhiều thương vụ bạc tỷ. Cụ thể như Địa ốc Phú Long mua lại 50% vốn từ tập đoàn Hàn Quốc trở thành chủ đầu tư dự án Khu đô thị Splendora An Khánh (Hà Nội). Quỹ đầu tư GIC Private Limited của Singapore đầu tư vào Công ty Vinhomes và một số công ty thành viên khác của Tập đoàn Vingroup, hướng đến phát triển loạt dự án cao cấp và hạng sang tại Việt Nam.
Cũng trong quý II vừa qua, tập đoàn Nikkei mua lại 16,9 triệu cổ phiếu của Công ty CP Hiền Đức Tây Hồ, trở thành chủ sở hữu khu đất rộng 0,9 ha tại quận Tây Hồ, Hà Nội. Tại đây, CapitaLand dự định sẽ phát triển dự án phức hợp với tổng cộng 380 căn hộ, văn phòng và khối đế bán lẻ.
Mới đây nhất, Frasers Property đã ký thỏa thuận mua lại cổ phần Công ty TNHH Trần Thái, trở thành cổ đông chiếm 75% vốn của Công ty CP Địa ốc Phú An Khang. Thương vụ có giá trị khoảng 18 triệu USD. Trong thời gian tới, Phú An Khang sẽ xây dựng dự án khu dân cư và thương mại trên khu đất tại quận 2, Tp.HCM.
Nhận định về hoạt động M&A tại Việt Nam hiện nay, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital cho rằng, quy mô M&A tại Việt Nam bây giờ đã bằng Indonesia, Malaysia, và sẽ vượt qua hai thị trường này trong thời gian tới. Năm 2018 sẽ là một năm kỷ lục mới cho các giao dịch M&A trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam.
Còn theo ông Troy Griffiths, PGĐ Savills Việt Nam, động thái hạn chế cho vay bất động sản, kiểm soát nợ xấu của Ngân hàng Nhà nước góp phần khuyến khích nhà đầu tư trong nước tìm kiếm các nguồn vốn khác, trong đó có M&A. Chính sách mở cửa đối với các nhà đầu tư nước ngoài của Chính phủ cũng sẽ tạo ra sức hút mạnh mẽ dòng vốn ngoại vào thị trường bất động sản.
“Hàng trăm triệu USD đang chờ đợi để đổ vào thị trường ở hầu hết các phân khúc nhà ở, văn phòng, bán lẻ, khách sạn và khu công nghiệp. Kinh tế vĩ mô phát triển ổn định đang thúc đẩy dòng vốn FDI từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đổ mạnh vào Việt Nam và BĐS luôn là một trong những lĩnh vực chủ chốt”, ông Troy Griffiths nhận định.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp bày tỏ vẫn còn những rào cản về pháp lý mà Chính Phủ Việt Nam cần hoàn thiện hơn để thúc đẩy M&A tại Việt Nam cũng như thu hút nguồn vốn nước ngoài. Ông Warrick Cleine, TGĐ KPMG Việt Nam và Campuchia đánh giá Việt Nam đã có những nỗ lực để cải thiện, nhất là ở các bộ, ban ngành có liên quan trực tiếp trong quá trình của hoạt động M&A. Tuy nhiên vấn đề thủ tục hành chính và thời gian xử lý giấy tờ còn nhiều khê, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Các khung pháp lý về đầu tư, các yêu cầu về nới room cho nhà đầu tư nước ngoài cần được tạo điều kiện thuận lợi hơn, các quy trình phê duyệt, cấp phép cần được làm nhanh gọn hơn.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ đang tham mưu cho Chính phủ trong việc tạo môi trường đầu tư kinh doanh dựa trên nguyên tắc bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Chính phủ Việt Nam không có rào cản nào đối với doanh nghiệp nước ngoài, ngoại trừ một số các cam kết WTO có các điều kiện ràng buộc trong đầu tư. Những ràng buộc này cũng sẽ dần được tháo gỡ.
Nguồn: batdongsan.enternews.vn
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian sớm nhất !
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian sớm nhất !