“Cần có một quy hoạch xứng đáng với tầm cỡ của Long Thành”

07-11-2020 08:33

Đó là nhận định của TS. Lê Xuân Nghĩa khi bàn về các giải pháp để hiện thực hóa giấc mơ về một đô thị trung tâm, “thành phố sân bay” Long Thành, đánh thức những tiềm năng có một không hai của địa phương này.

Tại tọa đàm “Bất động sản Long Thành cất cánh cùng sân bay” diễn ra mới đây, các chuyên gia đều nhìn nhận, bên cạnh sự nổi bật về tiềm năng giao thông, hạ tầng, đô thị thì thông tin quy hoạch dự án sân bay quốc tế Long Thành đã trở thành đòn bẩy khiến thị trường bất động sản tại đây trở nên sôi động.

“Khi sân bay quốc tế Long Thành đi vào hoạt động, Long Thành sẽ trở thành trung tâm của “thành phố sân bay” và là tâm điểm kết nối giao thương của cả khu vực. Trong tương lai không xa, nhu cầu sở hữu bất động sản ở đây để phát triển thương mại - dịch vụ và các loại hình kinh doanh sẽ tăng vọt”, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) khẳng định.

Phó Chủ tịch VNREA cho biết thêm, vị trí đầu mối này đưa Long Thành trở thành tầm cỡ cảng cửa ngõ quốc gia và giữ vai trò là một trong ba cực của hệ thống logistics vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, gồm sân bay Long Thành, sân bay Tân Sơn Nhất và cảng nước sâu Cái Mép... Với những tiềm năng có được, Long Thành trở thành mảnh đất “màu mỡ” và là kênh đầu tư sinh lời thu hút các nhà đầu tư lớn ở nhiều lĩnh vực, trong đó nổi bật là bất động sản.

Bức tranh đẹp nhưng không ít rủi ro 

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam đánh giá, việc đầu tư sân bay Long Thành và TP.HCM đề xuất phát triển Thành phố Đông Sài Gòn cộng với hàng loạt cầu đường kết nối không gian phát triển các tỉnh miền Đông Nam Bộ với TP.HCM đã tạo nên làn sóng thực sự sôi động cho thị trường bất động sản các tỉnh phía Nam kể cả trong thời điểm bùng phát dịch Covid-19, đặc biệt là thị trường Long Thành. 

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam

Theo ông Đính, so với năm 2018, giá đất nhiều nơi ở khu vực quy hoạch sân bay đã tăng gấp đôi trong năm 2019. Trước đó, giá cũng đã tăng vì thông tin quy hoạch.

“Năm 2019, mức giá bình quân dao động khoảng 15 - 30 triệu đồng/m2. Đây là một sự tăng vọt về giá. Sang năm 2020, bất chấp dịch Covid-19, giá đất vẫn tiếp tục tăng 20% so với năm trước”, ông Đính nói và khẳng định thêm, đất trung tâm Long Thành có chỗ còn lên tới cả trăm triệu đồng.

Nguyên nhân của việc tăng giá này, theo ông Đính không chỉ do quy hoạch xây sân bay mà còn do khan hiếm nguồn hàng ở TP.HCM khiến nhiều nhà đầu tư dịch chuyển sang vùng đất khác để đầu tư.

Chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, với tiềm năng hiện tại, Long Thành hoàn toàn có thể trở thành một trung tâm của cả nước và khu vực về logistics và kho vận, thương mại điện tử, kéo theo đó là sự hình thành đô thị lớn. Tuy nhiên, vị này nhấn mạnh, “bức tranh vẽ ra rất đẹp nhưng cũng không ít rủi ro, nhất là khi chúng ta không biến bức tranh đó thành hiện thực được”.

“Bất động sản Long Thành hiện nay đang hút giới đầu tư lớn như vậy cũng bởi những tiềm năng của chính nó. Nhưng tương lai của bất động sản Long Thành phụ thuộc vào tiến độ triển khai quy hoạch các hệ thống hạ tầng hiện tại”, ông Ánh nói.

Chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành cũng nhìn nhận, sân bay Long Thành trong nhiều năm qua là câu chuyện về ý tưởng và triển khai ý tưởng. Ý tưởng này đã có cách đây 26, 27 năm, nhưng đến nay mới được hiện thực hóa.

“Ý tưởng phát triển là đúng, nhưng để làm được thì cần rất nhiều yếu tố liên quan. Xét về góc độ đầu tư bất động sản thì Long Thành rất hấp dẫn. Tuy nhiên, đây là một bài toán rất lớn, cần sự vào cuộc của tỉnh, trung ương và các doanh nghiệp lớn”, vị chuyên gia khẳng định.

Với những tiềm năng có được, Long Thành trở thành mảnh đất “màu mỡ” và là kênh đầu tư sinh lời thu hút các nhà đầu tư lớn ở nhiều lĩnh vực, trong đó nổi bật là bất động sản.

Cần một quy hoạch xứng tầm

TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia khẳng định, trong tầm nhìn 50 năm tới, Long Thành sẽ là khu vực phát triển đô thị số một vì không còn nơi nào còn đất, có vị trí đẹp, có nhiều thuận lợi về hạ tầng như địa phương này. Chính Quốc hội cũng đã cân nhắc rất kỹ về việc phát triển Long Thành với các tiềm năng để có thể trở thành tầm cỡ khu vực. Đây chính là một thành phố mới của Việt Nam.

Do đó, vị chuyên gia cho rằng, cần phải có một quy hoạch xứng đáng với tầm cỡ của Long Thành.

“Cần có một quy hoạch xứng đáng với tầm cỡ của Long Thành”

“Long Thành sẽ là một thành phố nhiều tiềm năng song lại đặt ở trong khu vực phát triển nông nghiệp. Nên chăng Chính phủ, Trung ương cần có những quy hoạch dài hạn cho khu vực này. Nếu Tập đoàn Đất Xanh tập trung phát triển vào đây tức là đã có tầm nhìn dài hạn về khu vực này. Song cần chuẩn bị quỹ vốn lớn vì có thể sẽ phải vừa phát triển dự án, vừa đầu tư hạ tầng, mở thêm các đường, trường, trạm”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Vị chuyên gia cho biết thêm, hiện có thông tin 18,7 tỷ USD đổ vào các dự án ở Long Thành nhưng "vậy là chưa đủ. Long Thành có lẽ phải cần đến 30 tỷ USD. Bởi nơi đây rồi sẽ thu hút dân cư đến sống, sẽ đòi hỏi phải quy hoạch phát triển lâu dài với các công trình gắn với sự phát triển về nhà ở, logistics..."

Liên quan đến câu chuyện này, ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, từ giờ đến lúc hoàn thiện sân bay và trở thành thành phố sân bay, Long Thành sẽ phải giải quyết nhiều vấn đề, trong đó có việc nâng cấp đô thị lên cấp 1, 2. 

Theo ông Chiến, mong muốn trở thành thành phố sân bay cần tính dài hơi vì đất đai ở đây vẫn còn hoang sơ, các khu đô thị lớn vẫn còn chưa phát triển. Muốn trở thành một thành phố Long Thành trong tương lai thì việc hàng đầu cần phải bắt tay ngay vào thực hiện chính là phát triển hạ tầng giao thông rồi đến điện, nước, sau đó mới hình thành nên nhà ở, hạt nhân của các đô thị.

“Phải có định hướng nền móng để các nhà đầu tư có thể đầu tư vào. Phải có quy hoạch vùng liên tỉnh, quy hoạch chung, quy hoạch tỉnh… rồi đến quy hoạch chi tiết dự án. Và trong quá trình này sẽ còn nhiều điều chỉnh sao cho phù hợp”, ông Chiến nói.

Ngoài ra, vị chuyên gia cho biết,  khi sân bay được hình thành sẽ tác động đến 7 phân khúc bất động sản: Nhà ở, công nghiệp, văn phòng, thương mại, bất động sản nghỉ dưỡng, nông nghiệp, bất động sản hạ tầng và có thể là bất động sản du lịch tâm linh. Do đó, cần công khai hoá tất cả các quy hoạch hiện nay và phân loại tất cả các dự án để nhà đầu tư nắm được, tránh chuyện đầu cơ, thổi giá.

Dự án của Tập đoàn Đất Xanh triển khai tại Long Thành, mở đầu cho một xu hướng đầu tư bất động sản "cất cánh" cùng sân bay, với sự đồng bộ về hạ tầng, quy hoạch.

Còn theo TS. Vũ Đình Ánh, Long Thành mới chỉ dừng lại ở quy hoạch nhỏ lẻ, chưa có quy hoạch mang tính tầm nhìn về một thành phố sân bay. Do đó, “các nhà đầu tư bất động sản rất cần tham gia ngay với địa phương từ khâu quy hoạch để có điều kiện tốt nhất cho câu chuyện phát triển”.

Liên quan đến vấn đề này, ông Vũ Quốc Việt Nam, Giám đốc Marketing cấp cao Tập đoàn Đất Xanh cho biết, doanh nghiệp khi làm dự án cũng đã tập trung tới câu chuyện đầu tư cơ sở hạ tầng với tầm nhìn dài hạn.

“Về phía Tập đoàn Đất Xanh, chúng tôi luôn tuân thủ theo các quy định của Nhà nước, khi làm các đường dẫn, đã xin phép và đồng hành cùng chính quyền để xây dựng các cơ sở hạ tầng phù hợp với quy hoạch tỉnh, huyện, phục vụ đời sống cư dân dự án và khu vực lân cận”, ông Việt Nam nhấn mạnh.

Theo Reatimes.

0917602020
GỌI ĐIỆN

GỬI THÔNG TIN THÀNH CÔNG


Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian sớm nhất !

GỬI THÔNG TIN THÀNH CÔNG


Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian sớm nhất !