Bản tin thị trường sáng ngày 27/9/2021

27-09-2021 09:48

Giá nhà Hà Nội có hạ nhiệt sau giãn cách xã hội?; Hà Nội nghiên cứu quy hoạch đặc thù; Bất động sản khu Tây tỏa nhiệt, gia tăng cơ hội sinh lời... là những tin chính có trong bản tin sáng nay.

1. Cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội: Ưu tiên 10 khu

HĐND thành phố Hà Nội thông qua Đề án cải tạo chung cư cũ. Theo đó, thành phố quyết tâm tháo gỡ vướng mắc, cải tạo sớm các khu chung cư có nhà xuống cấp nguy hiểm.

Thành phố ban hành Kế hoạch tổ chức lập quy hoạch chi tiết chung cư cũ, đồng thời bố trí nguồn vốn ngân sách lập quy hoạch. Chia làm 4 đợt, đợt 1 là lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đối với 10 khu chung cư cũ, gồm 4 khu có nhà nguy hiểm cấp D là Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, Bộ Tư pháp và 6 khu được lựa chọn triển khai ban đầu có tính khả thi như: Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân…; xem xét đề án quy gom tái định cư các chung cư cũ đơn lẻ ở quận Hoàn Kiếm và một số nhà chung cư cũ đơn lẻ. Tiến độ hoàn thành là quý III/2022.

2. Giá nhà Hà Nội có hạ nhiệt sau giãn cách xã hội?

Nhiều chuyên gia nhận định, khi Hà Nội nới lỏng các hoạt động giãn cách xã hội, giá chung cư được dự báo sẽ tiếp tục tăng. 

Việc Hà Nội nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội sẽ tạo điều kiện cho thị trường bất động sản (BĐS) phát triển trở lại và sôi động hơn rất nhiều, đặc biệt khi sức mua đã bị “kìm hãm” trong suốt thời gian giãn cách theo chỉ thị 16, nay sẽ có cơ hội được phục hồi trở lại.

Trước đó, theo báo cáo của kênh thông tin Batdongsan.com.vn, trong tháng 7/2021, chỉ số giá chung cư tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội cùng tăng 2% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2020, giá chung cư tại 2 thành phố này tăng lần lượt 7% và 10%. Bước sang tháng 8, mặc dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng theo thống kê, chỉ số giá so với cùng kỳ năm 2020 tăng 8-9%.

Theo ông Nguyễn Văn Đính – Tổng thư ký Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho biết “Đại dịch Covid-19 có kéo dài nhưng giá BĐS không những giảm mà vẫn liên tục tăng, nhất là phân khúc nhà ở chung cư. Nguyên nhân là do tổng tiền vào thị trường BĐS đang tăng mạnh lên bởi một lượng tiền lớn rút từ các lĩnh vực khác như chứng khoán, ngoại hối, các ngành kinh tế suy yếu khác đang đổ mạnh vào thị trường BĐS tìm cơ hội đầu tư mua sắm.”

3. Hà Nội nghiên cứu quy hoạch đặc thù

Sở QH-KT Hà Nội cho biết, trong 20 quy hoạch phân khu thuộc 4 đô thị vệ tinh đang được nghiên cứu, Bộ Xây dựng đã có ý kiến 3 đồ án quy hoạch phân khu đô thị Xuân Mai và 3 đồ án quy hoạch phân khu đô thị Phú Xuyên.

8 đồ án thuộc quy hoạch phân khu đô thị Sơn Tây đã được UBND Thành phố giao Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội và UBND thị xã Sơn Tây lập; 6 đồ án thuộc quy hoạch phân khu đô thị Sóc Sơn được UBND Thành phố giao UBND huyện Sóc Sơn lập.

TP Hà Nội tiếp tục nghiên cứu các quy hoạch đặc thù: Quy hoạch bến bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm TP Hà Nội; Quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận; Quy hoạch chi tiết bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại làng dệt lụa Vạn Phúc (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông) và làng gốm sứ Bát Tràng (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm).

4. Hà Nội thông qua chủ trương làm đường trên cao dài nhất Việt Nam

Theo đó, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội thống nhất, biểu quyết 100% quyết nghị đồng ý về chủ trương triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 4 - vùng Thủ đô.

Dự án đường vành đai 4 đã có chiều dài toàn tuyến khoảng 98 km, đi qua 14 huyện của ba tỉnh, thành phố. Trong đó: đoạn đi qua Hà Nội dài 56,5 km, Hưng Yên 20,3 km và Bắc Ninh 21,2 km.

Dự kiến đường vành đai 4 có tổng mức đầu tư khoảng 160.000 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách bố trí khoảng 50% (gồm ngân sách trung ương hỗ trợ khoảng 25% tổng mức đầu tư; ngân sách của Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh khoảng 25% tổng mức đầu tư). Phần 50% vốn còn lại áp dụng cơ chế đối tác công - tư và xây dựng - kinh doanh - chuyển giao.

Trước đó, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chấp thuận giao UBND TP Hà Nội chuẩn bị đầu tư dự án trên cơ sở đã thống nhất với UBND các tỉnh: Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc; thống nhất với Bộ GTVT chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Thủ tướng.

5. Bất động sản khu Tây tỏa nhiệt, gia tăng cơ hội sinh lời

Hội tụ các yếu tố "cần’’ và "đủ’’ gồm tăng trưởng kinh tế; thu hút FDI; sự phát triển, hoàn thiện của hệ thống hạ tầng giao thông và xã hội; những ưu ái về chính sách,... nên bất động sản khu Tây luôn duy trì tốc độ phát triển bền vững hàng đầu Thủ đô.

Xét về tốc độ phát triển hạ tầng giao thông, Hà Nội đang đẩy nhanh tiến độ hàng loạt trục giao thông huyết mạch kết nối toàn bộ khu vực phía Tây với trung tâm thành phố và các tỉnh thành xung quanh như: Đường Vành đai 2,5 và 3,5 đang được thúc đẩy xây dựng; Trục Hồ Tây - Ba Vì có chiều dài khoảng 25km;...

Theo Báo cáo Quý I/2021 của Savills Việt Nam, nguồn cung lớn nhất của thị trường Hà Nội thuộc về khu Tây Hà Nội. Báo cáo Quý I/2021 của Colliers Vietnam cũng nhận định, thị trường chung cư Hà Nội ngày càng nhận được sự quan tâm của người mua. Trong đó, khu vực phía Tây Hà Nội đang nhận được sự quan tâm đặc biệt đối với các dự án căn hộ cao cấp bởi kinh tế và hạ tầng đang trên đà phát triển mạnh.

0917602020
GỌI ĐIỆN

GỬI THÔNG TIN THÀNH CÔNG


Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian sớm nhất !

GỬI THÔNG TIN THÀNH CÔNG


Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian sớm nhất !