Bản tin thị trường sáng ngày 2/8/2021

02-08-2021 11:15

1. Quảng Bình muốn làm khu đô thị gần 43ha

Sở Xây dựng Quảng Bình vừa có thông báo mời gọi nhà tài trợ cho sản phẩm Quy hoạch chi tiết 1/500 dự án Khu đô thị - Dịch vụ phục vụ Khu Công nghiệp (KCN) Cam Liên. Dự án có diện tích 42,7 ha, nằm tại xã Cam Thủy, huyện Lệ Thủy.

Kinh phí lập quy hoạch và triển khai các thủ tục liên quan đến thẩm định, phê duyệt quy hoạch do đơn vị tài trợ sản phẩm bố trí, không được nhà nước hoàn trả và không tính vào tổng mức đầu tư dự án được thực hiện tại khu vực được tài trợ sản phẩm quy hoạch nêu trên. Đơn vị tài trợ sản phẩm quy hoạch không được ưu tiên trong quá trình lựa chọn chủ đầu tư dự án. Việc lựa chọn chủ đầu tư dự án trong phạm vi Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án được thực hiện theo quy định của pháp luật. Thời gian nghiên cứu, khảo sát lập quy hoạch không quá 6 tháng kể từ ngày nhà tài trợ sản phẩm quy hoạch được lựa chọn.

Trước đó, ngày 24/6, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình đã họp xem xét chủ trương đầu tư đối với Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN Cam Liên, theo Báo Quảng Bình. KCN có diện tích hơn 453 ha với tổng vốn đầu tư 1.800 tỷ đồng, được chia thành 5 giai đoạn, thời hạn hoạt động 50 năm kể từ ngày được cấp chủ trương đầu tư. Chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Capella Quảng Bình.

2. Giá căn hộ Cầu Giấy tăng mạnh nửa đầu năm 2021

Từ 2019 đến nay, trong bối cảnh chung về nguồn cung dự án mới khan hiếm thì Cầu Giấy cũng không có nhiều dự án căn hộ mới được mở bán. Nếu như năm 2017 Hà Nội có tới 115 dự án mới được mở bán, thì đến 2018 chỉ có 69 dự án và con số này vào năm 2019 là 58 dự án, còn ở thời điểm hiện tại số dự án mới chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Trước tình trạng nguồn cung căn hộ cao cấp mới khan hiếm, nhu cầu mua nhà vẫn liên tục tăng khiến nhà ở khu vực này luôn được quan tâm của người mua nhà ở thực. Trong khi đó số lượng dự án đáp ứng được nhu cầu này lại không nhiều. Khảo sát thực tế cho thấy, hiện Cầu Giấy chỉ có số lượng dự án mới với nguồn cung sơ cấp khiêm tốn như Golden Park Tower, Mipec Rubik 360 (Cầu Giấy), Luxury Park View (Yên Hoà), The Park Home (Dịch Vọng), The Nine (Phạm Văn Đồng),…

Theo dữ liệu mới nhất từ Savills, nửa đầu năm 2021, cho biết bất chấp Covid-19, tăng trưởng giá căn hộ bán vẫn mạnh. Báo cáo chỉ rõ, từ năm 2017, giá sơ cấp đã tăng 14% mỗi năm tại quận Cầu Giấy. Theo báo cáo của Savills, đây là quý thứ 10 liên tiếp giá bán sơ cấp tăng.

Cơ sở hạ tầng hoàn thiện đồng bộ, nguồn cung khan hiếm cùng với đó là nhu cầu cao đã đẩy giá căn hộ cao cấp ở khu vực này tăng lên từng quý. Nhìn chung, thị trường bất động sản Hà Nội đang có nguồn cung mới thấp nhất trong vòng 5 năm, trong đó các chủ đầu tư giảm quy mô mở bán trong bối cảnh lo lắng gia tăng do làn sóng Covid-19 thứ 4.

Ông Nguyễn Đức Thêm, Quản lý cao cấp, Bộ phận Kinh doanh Bất động sản nhà ở , Savills Hà Nội phân tích: "Giá bất động sản căn hộ tại khu vực phía Tây thành phố Hà Nội ghi nhận tăng đặc biệt là những nơi có sự hỗ trợ tăng cường phát triển hạ tầng, gần trường học và khu vực xung quanh và dọc tuyến đường sắt đô thị. Quận Cầu Giấy đang hưởng các lợi thế từ các cơ sở chăm sóc sức khỏe và giáo dục chất lượng, cũng như gần tuyến đường sắt đô thị số 3 sắp đưa vào hoạt động trong Q4/2021".

Nguồn CafeF

3. Xu hướng chuyển dịch đầu tư thị trường bất động sản đô thị vệ tinh

Thị trường BĐS các khu vực vùng ven đi sau TP.HCM, nhưng đang trong giai đoạn phát triển và bùng nổ nhờ 3 yếu tố: vị trí địa lý, quỹ đất lớn và giá cả "dễ thở". Quý 1 vừa qua, giá bán căn hộ sơ cấp bình quân ở TP.HCM là 62,2 triệu đồng/m2, trong khi ở Đồng Nai, Bình Dương xoay quanh 37 triệu đồng/m2.

Thị trường nào có quỹ đất có nhu cầu sẽ hút doanh nghiệp. Những năm qua, TP.HCM đã là "siêu đô thị" rơi vào tình trạng "quá tải toàn diện" với hơn 10 triệu dân. Ngược lại, Bình Dương có diện tích lớn gấp 1,3 nhưng dân số chưa bằng 1/4 của TP.HCM. Tương tự, Long An, Đồng Nai cũng là nơi "đất rộng người thưa" nhiều tiềm năng. Đó chính là lý do các chủ đầu tư ráo riết tìm quỹ đất tại các đô thị vệ tinh này.

Các địa phương trên cũng vươn lên dẫn đầu nguồn cung đất nền và căn hộ 2 năm qua tại khu vực miền Nam. Ước tính Long An chiếm 65% tổng nguồn cung đất nền. Năm 2020, nguồn cung căn hộ tại Bình Dương gấp đôi so với tổng nguồn cung 10 năm trước cộng lại. Số căn hộ tại Bình Dương được hấp thụ nhanh chóng tương quan với dân số đã tăng 1 triệu người trong 10 năm (2009-2019), lên 2,5 triệu người.

So với các tỉnh, Bình Dương đang đứng trước bước ngoặt phát triển nhờ động lực đa dạng và khác biệt. Tỉnh đã hoàn thành tiến trình đô thị hóa với 3 thành phố Dĩ An, Tân An, Thủ Dầu Một, và sẽ lập thêm 2 thành phố Tân Uyên và Bến Cát vào năm 2023. Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) 2020 thứ 4 cả nước, nằm trong Top 7 cộng đồng có chiến lược phát triển thành phố thông minh trên thế giới 2021 và là tỉnh có thu nhập bình quân đầu người cao bậc nhất cả nước đã cho Bình Dương vị thế kinh tế cao hơn.

Nguồn CafeF

4. 3 phân khúc bất động sản vẫn lọt "tầm ngắm" của giới đầu tư

Dù dịch bệnh, BĐS công nghiệp và nhà ở vẫn sẽ nhận được sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư, lợi suất từ các lĩnh vực này được kỳ vọng theo xu hướng chuyển dịch, thay vì chỉ đứng yên. Trong khi đó, lĩnh vực văn phòng cho thấy khả năng phục hồi rõ rệt, với 97% người tham gia khảo sát dự đoán lợi suất đầu tư giữ nguyên hoặc giảm nhẹ.

BĐS văn phòng được coi là lĩnh vực lớn nhất và hiện vẫn đang ghi nhận sự gia tăng về nhu cầu. Tại hơn một nửa các thành phố tiến hành khảo sát, phân khúc văn phòng được dự kiến là nhóm tài sản thống trị thị trường và đáng để đầu tư trong năm 2022. Tại Thâm Quyến, Bắc Kinh, Quảng Châu và Seoul, BĐS văn phòng dự kiến sẽ chiếm 60% tổng vốn đầu tư.

Báo cáo tổng quan thị trường của Savills Việt Nam trong 6 tháng đầu năm cũng cho thấy hoạt động ổn định và triển vọng lạc quan của thị trường văn phòng TP.HCM và Hà Nội. Số lượng doanh nghiệp ICT của Việt Nam được kỳ vọng sẽ đạt 100.000 trong năm 2025, gần gấp đôi số lượng của năm 2020. Theo nghiên cứu của Savills, tới năm 2022, các thị trường mới nổi bao gồm Việt Nam sẽ có hoạt động cho thuê phát triển mạnh nhất nhờ tăng trưởng của kinh tế cộng với sức mạnh từ các ngành công nghiệp và xu hướng làm việc linh hoạt.

Thị trường Việt Nam với tiềm năng phát triển các dự án công nghệ, đang ngày càng thu hút đầu tư từ các công ty đa quốc gia. Thêm vào đó, nhiều công ty Công nghệ Thông tin trong nước hiện này cũng đang thực hiện kế hoạch mở rộng nhân sự số lượng lớn nhằm phục vụ việc phát triển doanh nghiệp. Do đó, nhu cầu thuê văn phòng của các công ty ngành Công nghệ Thông tin vẫn ở mức cao trong giai đoạn hiện nay. Các ngành công nghiệp khác như sản xuất, bảo hiểm, ngân hàng cũng sẽ tiếp tục tăng trưởng.

Theo CafeF 

5. Đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án giao thông trọng điểm

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công loạt dự án trọng điểm như dự án nâng cấp, cải tạo đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng HKQT Nội Bài, Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, Dự án Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ…

Tại Hội nghị giao ban trực tuyến về tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác tháng 7 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 8/2021 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), ông Nguyễn Trí Đức, Chánh Văn phòng Bộ cho biết, đến nay Bộ đã cơ bản hoàn thành hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 6 dự án quan trọng quốc gia để trình Chính phủ xem xét báo cáo Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư; ba dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP. Bộ đã hoàn thành ký kết và triển khai một số dự án thành phần.

Về nhiệm vụ trọng tâm tháng 8/2021, ông Nguyễn Trí Đức cho biết, Bộ sẽ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 5 đề án quy hoạch ngành quốc gia lĩnh vực GTVT.

Đồng thời, hoàn thành 4 đề án phân cấp, ủy quyền, giao quyền trong lĩnh vực GTVT. Song song đó, hoàn thiện trình Thủ tướng xem xét phê duyệt hai đề án về đường sắt; đề án xây dựng đường bộ cao tốc; hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 6 dự án quan trọng quốc gia…

Tham khảo: Vietnam Mới

GỌI ĐIỆN

GỬI THÔNG TIN THÀNH CÔNG


Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian sớm nhất !