Bản tin thị trường sáng ngày 13/9/2021

13-09-2021 10:23

Bất động sản vẫn đứng thứ 3 về thu hút vốn FDI, chuẩn bị kích cầu du lịch mở rộng đón khách quốc tế là những tin chính có trong bản tin sáng nay.

1. Bất động sản vẫn đứng thứ 3 về thu hút FDI

Tính đến cuối tháng 8, với tổng số vốn đăng ký đạt gần 1,6 tỷ USD, kinh doanh bất động sản nhiều tháng liên tục bám trụ ở vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng nhóm các lĩnh vực, ngành nghề thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Mặc dù vẫn tiếp tục duy trì vị trí thứ 3 nhưng con số này đang thấp hơn nhiều so với mức thu hút FDI đạt được của lĩnh vực kinh doanh, bất động sản vào cùng kỳ năm 2020 với 2,87 tỷ USD.

Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế TS. Đinh Trọng Thịnh, một trong những nguyên nhân để dòng vốn FDI tiếp tục rót vào lĩnh vực bất động sản Việt Nam là sự ổn định về chính trị vững chắc, đoàn kết và quyết tâm phòng chống, khống chế dịch COVID. Đặc biệt, Việt Nam vẫn duy trì nền kinh tế tăng trưởng dương, lạm phát ổn định, thị trường tài chính tiền tệ không biến động lớn... Những yếu tố tích cực của kinh tế vĩ mô đã giúp thị trường bất động sản Việt Nam giữ được sự ổn định cần thiết.

Mặt khác, quá trình đô thị hóa tại Việt Nam đang diễn ra với tốc độ cao, dân số đô thị tăng nhanh, nhất là tại các đô thị lớn. Cùng đó, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng nên nhu cầu phát triển về nhà ở vẫn còn nhiều dư địa trong tương lai.

2. Chuẩn bị kích cầu du lịch, mở rộng đón khách quốc tế

Ngoài Phú Quốc, Việt Nam dự kiến mở đón khách quốc tế tại Hạ Long, Hội An, Nha Trang... và thực hiện các chương trình kích cầu du lịch.

Theo đó, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa ra kế hoạch triển khai các chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành giai đoạn cuối năm 2021, đầu năm 2022, nêu rõ cần đảm bảo mục tiêu kép phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo kế hoạch, Bộ sẽ tạo điều kiện thuận lợi về du lịch cho khách nội địa và khách quốc tế có chứng nhận tiêm chủng vaccine, phù hợp với hệ thống công nhận của quốc tế. Phú Quốc (Kiên Giang) là địa phương đầu tiên thí điểm đón khách quốc tế vào tháng 10 và dần mở rộng tới Hạ Long (Quảng Ninh), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng)...

3. Vân Đồn dự báo đón 9,5 triệu lượt khách năm 2040

Là một trong những cực tăng trưởng quan trọng của tỉnh Quảng Ninh, Vân Đồn được đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng để xây mới các tuyến cao tốc, cảng hàng không quốc tế và cảng biển. Hoạt động thông thương và kết nối trong nước, quốc tế nhờ vậy dễ dàng, hiệu quả hơn.

Với đầu tư mạnh về hạ tầng và sự cởi mở của chính quyền địa phương, Vân Đồn cùng cảnh đẹp hữu tình hiếm có hứa hẹn là điểm đến không thể bỏ lỡ của du khách trên hành trình khám phá Quảng Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung.

Theo "Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050", đến năm 2040, Vân Đồn dự kiến đón 6-9,5 triệu lượt du khách tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi, mua sắm…

4. Hà Nội: Dự án xây dựng nằm ở vùng vàng, xanh được hoạt động trở lại

Theo đó, dự án vùng vàng, xanh (vùng 2, vùng 3) được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép xây dựng, bảo đảm các tiêu chí, nguyên tắc được Bộ Xây dựng và phương án, kế hoạch thi công bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch được UBND cấp huyện xác nhận, thì được triển khai thi công xây dựng.

Dự án, công trình đã được UBND Thành phố, UBND các quận huyện, thị xã cho phép hoạt động trong khoảng thời gian từ 24/7/2021 đến 05/9/2021 thì chủ đầu tư, các nhà thầu tham gia hoạt động xây dựng tại các dự án, công trình phải cập nhật, hoàn thiện phương án, kịch bản, kế hoạch thi công. Đồng thời, bảo đảm phòng, chống dịch theo hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 trên công trường xây dựng của Bộ Xây dựng, gửi UBND cấp huyện nơi có công trình kiểm tra, xác nhận lại trước khi tiếp tục thi công.

Riêng đối với công trình xây dựng theo tuyến liên thông giữa các vùng phải có biện pháp tổ chức thực hiện trên nguyên tắc "3 tại chỗ" và nguyên tắc "một cung đường hai điểm đến"; phương án, kế hoạch thi công (của chủ đầu tư hoặc của nhà thầu) bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch được UBND cấp huyện trong tuyến xác nhận.

5. Áp lực gia tăng dòng tiền không làm giảm giá bất động sản, nhà ở

Tại Hà Nội, mặc dù đối mặt với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thị trường bất động sản vẫn được các chuyên gia nhận xét là giá không giảm, dù hoạt động chậm hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Đặc biệt, giá bất động sản đô thị từ nay tới cuối năm dự kiến sẽ không giảm, bất chấp áp lực gia tăng về dòng tiền và việc chi trả của các nhà đầu tư.

Khảo sát của Savills Việt Nam cho thấy, thị trường Hà Nội trong những tháng đầu năm 2021 ghi nhận hoạt động tích cực với giá chào bán sơ cấp trung bình đối với loại hình căn hộ tăng 11% theo năm. Loại hình biệt thự và nhà liền kề cũng ghi nhận mức tăng khoảng 7%/năm trong giá chào bán thứ cấp. Sự tăng trưởng về giá này được nhận định là do nguồn cung hạn chế, cơ sở hạ tầng được cải thiện và tiêu chuẩn phát triển cao hơn trong toàn cảnh thị trường nói chung.

0917602020
GỌI ĐIỆN

GỬI THÔNG TIN THÀNH CÔNG


Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian sớm nhất !

GỬI THÔNG TIN THÀNH CÔNG


Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian sớm nhất !