Ba đòn bẩy giúp rã đông bất động sản

30-10-2021 09:13

Cú hích đầu tư công, khơi thông pháp lý, hỗ trợ nhà giá rẻ hứa hẹn giúp thị trường địa ốc hồi phục sau đợt đóng băng 4 tháng qua.

Tại buổi tọa đàm "Bất động sản trong xu thế mới: Linh hoạt để thích ứng" do báo Người Lao Động tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia cho biết dù đợt dịch Covid-19 lần thứ tư khiến địa ốc đóng băng giao dịch, nguồn cung lao dốc nhưng khi dỡ phong tỏa, cơ hội rã đông thị trường vẫn rất lớn nhờ loạt đòn bẩy chính sách và đầu tư công.

Cú hích đầu tư công

Tiến sĩ Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho biết đang kiến nghị với TP HCM về chương trình trung hạn phục hồi kinh tế, trong đó xem phục hồi thị trường bất động sản là bước đột phá.

Ông Lịch đánh giá, đối với đô thị trên chục triệu dân như TP HCM, bất động sản là một trong 9 nhóm ngành chủ lực để phát triển kinh tế. Thành phố có kinh nghiệm nhiều năm xem đầu tư công như kích thích để tăng tổng cầu. Kinh nghiệm từ thực tiễn cho thấy cứ một đồng đầu tư công sẽ kích thích đầu tư xã hội từ 8-10 đồng. Nếu giải ngân đầu tư công 50.000-60.000 tỷ đồng sẽ kích thích thị trường 500.000-600.000 tỷ đồng.

Còn theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, việc Chính phủ thúc đẩy đầu tư công và phát triển hạ tầng sẽ tạo lực đỡ rất lớn giúp thị trường bất động sản hồi phục. Giai đoạn 2021-2025, tổng vốn đầu tư công 2,87 triệu tỷ đồng có thể kỳ vọng đạt giải ngân 95%, cao hơn mức 75% của giai đoạn 2016-2020. Trong bối cảnh lãi suất thấp, dòng tiền chờ vào bất động sản nhiều khả năng vẫn tiếp tục xu hướng tăng trong thời gian tới.

Ông Lực cho biết thêm, bên cạnh cú hích đầu tư công, nội lực của thị trường bất động sản vẫn ở mức tích cực. Bất chấp khó khăn do đại dịch, trong 9 tháng đầu năm có 1.000 doanh nghiệp bất động sản đã và đang hoạt động trở lại. Ba quý vừa qua, các doanh nghiệp bất động sản đã phát hành 148.000 tỷ đồng trái phiếu, chiếm 37% trên tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành, đứng thứ 2 sau nhóm ngân hàng.

Giá cổ phiếu bất động sản (nhóm doanh nghiệp địa ốc niêm yết trên sàn chứng khoán) từ đầu năm đến nay tăng tới 27%, gần tương đương mức tăng chung của thị trường chứng khoán (tăng 29%). Các dữ liệu cho thấy nguồn vốn tiếp tục dịch chuyển vào bất động sản, cộng với hiệu ứng từ cú hích đầu tư công, cơ hội phục hồi của thị trường địa ốc rất lớn.

Bất động sản khu Nam TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Nút thắt pháp lý được tháo gỡ

Ông Vương Duy Dũng, Trưởng phòng quản lý nhà - Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, hàng loạt khó khăn vướng mắc pháp lý liên quan đến thị trường bất động sản đã và đang được tập trung tháo gỡ giai đoạn 2020 - 2021.

Trong 6 tháng đầu năm, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định liên quan đến thị trường bất động sản, tháo gỡ nhiều vướng mắc trong quản lý dự án đầu tư xây dựng. Nhóm nghị định hướng dẫn chi tiết Luật Nhà ở gồm Nghị định 30, Nghị định 69...

"Sắp tới, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản cũng được trình Quốc hội sửa đổi, ban hành sớm hơn dự kiến 1 năm", ông Dũng xác nhận và cho hay chưa có giai đoạn nào hàng loạt đạo luật, cơ chế chính sách được nghiên cứu sửa đổi nhanh chóng như vậy. Diễn biến này hứa hẹn tạo nhiều cơ hội phục hồi cho thị trường bất động sản trong thời gian tới.

Kích hoạt hỗ trợ nhà giá rẻ

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM đánh giá, những dư chấn sau đợt giãn cách xã hội kéo dài vừa qua khiến thị trường sôi động nhất cả nước ngừng trệ, bị tác động nặng nề nhưng vẫn có hy vọng rã đông bất động sản từ nhân tố nhà giá rẻ.

Ông Châu phân tích, sau đại dịch, nhà ở giá rẻ và vừa túi tiền, nhà cho công nhân, các đối tượng có thu nhập thấp sẽ trở thành tâm điểm. Đây cũng là phân khúc có nhu cầu lớn nhất thị trường hiện nay nhưng đang thiếu hụt sản phẩm. Trong những năm tới, TP HCM định hướng xây một triệu căn nhà, riêng năm 2021, Sở Xây dựng đặt mục tiêu 300.000 căn nhà. Bên cạnh đó, chính sách đẩy mạnh xây lại nhà chung cư cũ, giải quyết 20.000 nhà ở trên kênh rạch, đề nghị cho doanh nghiệp làm nhà trọ, phòng trọ cũng là nền tảng cho quá trình phục hồi của thị trường bất động sản.

Chủ tịch HoREA nhìn nhận, việc Bộ Xây dựng đề xuất gói tín dụng 30.000 tỷ đồng mở ra kịch bản sẽ có nhiều nhà ở xã hội, nhiều khu lưu trú cho công nhân được hỗ trợ phát triển, về lâu dài giải quyết bài toán an sinh xã hội cho người có thu nhập thấp và người thu nhập trung bình. Nếu làm được như năm 2013 qua cơ chế cấp bù lãi suất thì 1 đồng cấp bù lãi suất có thể huy động thêm hơn 30 đồng, tạo lực đỡ rất lớn cho quá trình phục hồi thị trường bất động sản trong trung và dài hạn.

 

 Theo VnExpress

0917602020
GỌI ĐIỆN

GỬI THÔNG TIN THÀNH CÔNG


Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian sớm nhất !

GỬI THÔNG TIN THÀNH CÔNG


Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian sớm nhất !